Thuở xa, ở một làng cách xa đô thị, có anh chàng rất nghèo, tên là
Ngốc. Danh từ “Ngốc” ấy, xét ra cũng có phần phù hợp với tánh nết của anh nhưng
có lẽ vì anh quá nghèo, khi đi vay hỏi, người trong làng thường khinh mắng, xua
đuổi, mà anh vẫn lặng thinh như thằng ngốc, nên do đó thành danh chứ làm cha mẹ
ai nỡ đặt tên cho con cái tên xui xẻo như thế bao giớ! Tuy trong làng xóm cho
đến người thân thuộc đều chán sợ khi thấy dạng anh lù lù đến nhà, song vì anh
nài nỉ van xin lắm lời, cũng có kẻ động lòng thương cho mượn. Nhưng, một khi
mượn thì quyết không trả nổi, cho nên anh mắc công nợ khắp đó đây. Vì thế, anh
lại được thêm một tên nữa là ông “Tổ nợ”.
Một ngày nọ, các chủ nợ đến đòi hỏi ráo riết quá, người thì thét
mắng, kẻ thì nhẩy bổ lại xé rách cả quần áo, song anh vẫn ngồi ỳ ra đó mà chịu,
không nói năng được nửa lời. Ðêm ấy, anh nằm gác tay lên trán, hết thương thân
tủi phận, lại chán cảnh, sợ đời! Thôi! “Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn?”
Suy tới nghĩ lui, liệu ở nán lại chắc không tiện, anh liền thu xếp áo quần và
chút ít lương thực rồi vội vã trốn đi, trong lúc trời chưa rạng sáng. Ngày đi
đêm nghỉ, lận đận vượt qua miền gió cát, ba hôm sau, anh đến một vùng nước non
thanh tú, và nhất định ở đấy suốt đời. Nơi đây, anh thấy an nhàn, vui vẻ, đói
ăn trái rừng, khát uống nước suối, riêng tiêu dao trong khoảng trời mây, cây
cỏ, cuộc đời kể cũng đã thần tiên lắm! Có những buổi chiều, khói mù giăng ngang
sườn núi, chim hôm xao xác về rừng, anh ngồi thẫn thờ như ôn lại quãng đời dĩ
vãng! Có những đêm trăng khuya bàng bạc, gió lá rì rào, anh thức giấc lặng nhìn
mấy dãy non xa in bóng qua nền trời mờ xám, như những búp măng non, mà thấy
mình như vượt khỏi trần ai tâm trí vô cùng thanh thoát! Phong cảnh nơi đây thật
là đẹp! Xa xa, dòng suối róc rách trong khe, như tiếng cười chào hỏi. Và đây,
trăm thứ hoa đua nở khoe tươi, như ân cần đón rước, tất cả ngần ấy làm cho anh
thỏa thích, xóa tan bao nỗi nhục trong thời gian qua. Nhưng một buổi sáng, cảm
thấy trong lòng phiền muộn, chàng Ngốc thơ thẩn dạo chơi. Cảnh thiên nhiên tươi
đẹp như dẫn dắt người, anh vui chân bước mãi, bất ngờ đi đến một động đá, trông
vào đấy, Ngốc thấy một vật gì đen dài điểm sáng phản chiếu dưới ánh nắng trời
mai. Anh lại gần nhìn xem, thì là một cái tráp bằng gỗ, có khảm bạc. Tánh tọc
mạch, háo kỳ, xui cho Ngốc loay hoay tìm cách mở. Một hồi lâu, sau khi mở được
cái tráp ra, bỗng anh hoa mắt, sửng sốt, vì trong ấy chứa đầy những vòng vàng,
châu ngọc quí giá, anh mân mê, hết cầm viên ngọc này, đến nắm xâu chuỗi khác,
say sưa nhìn ngắm! Lần lượt xem hết từng món sau cùng, Ngốc thấy dưới đáy tráp
có cái gì tròn đẹp, chung quanh khảm vàng, khoảng giữa long lanh chói sáng. Ðấy
là một chiếc gương soi, nhưng vốn là kẻ tối tăm quê dốt, Ngốc vẫn ngờ nghệch
không hiểu biết. Cầm chiếc gương lên xem, anh thấy trong ấy có người râu tóc
rậm đen, gương mặt xấu xa ra dáng hung dữ lắm! Không biết người trong gương
chính là bóng của mình. Ngốc bỗng sinh ra luống cuống sợ hãi, tưởng vị hung
thần nào, vội chắp tay lấp bấp nói: “Tôi tưởng chỉ riêng một mình tôi, không
ngờ lại có ngài ở đây coi giữ những của báu này, tôi “thật tình” không dám tham
lấy, xin ngài đừng nổi giận bắt tôi tội nghiệp!”.
Nói xong, tưởng như mình đã phạm một lỗi nặng đối với thần, không
kịp thu xếp đồ đạc, chàng ta vụt đứng dậy chạy bán sống bán chết không dám quay
đầu trở lại...
Trí Hiền
“Ðời là mộng
sao ta còn mê mải
Tấm thân này do tứ đại hóa duyên
Ðưa ta trong biển khổ triền miên
Mà cứ tưởng sống trên đường hạnh phúc!”
Tấm thân này do tứ đại hóa duyên
Ðưa ta trong biển khổ triền miên
Mà cứ tưởng sống trên đường hạnh phúc!”